Sunday, September 1, 2013

Nhật kí 30 ngày một mình ở Anh Quốc - part 2

Nhật kí 30 ngày một mình ở Anh Quốc #2: Bốn thứ miễn phí ở London

Tuần trước, một mình tôi lang thang lên London. Sáng sớm đi, vốn dĩ vì có chút việc, tôi định bụng đi rồi về ngay còn được nằm ườn xem phim. Nhưng London vẫn là thế, vốn giỏi quyến rũ con người ta, cuốn đôi chân người ta lê la khắp chốn. Vậy là tôi đã đành phải dành cả một ngày cho London, người bạn đã lâu nay không gặp gỡ, bởi cứ hễ định ra ga đi về, thì lại có thứ “hay là” nào đó hiện ra trong đầu.

London vào mùa hè đẹp hơn rất nhiều so với hình ảnh thành phố ấy những ngày chìm đắm trong thứ ánh sáng âm u ảm đạm hồi mùa đông tôi hay ghé. Mặc dù không sống ở thành phố này, nhưng tôi từng tới thăm London rất nhiều lần vào mỗi cuối tuần. Trở lại vào mùa hè, sau một thời gian đã thôi không tới London, tôi tìm thấy một London rất khác, đón tôi với cái nắng mùa hè chan hòa và những thứ cảm xúc rất khó nói nên lời.
Vốn nổi tiếng là một nơi đắt đỏ, nhưng ở London, có những thứ miễn phí mà nếu bạn biết, bạn hoàn toàn có thể nhận được.



Miễn phí số 1: Nho

Thực ra mà nói, chuyện ăn nho miễn phí này có lẽ hơi “nghịch”. Tại những siêu thị lớn, không chỉ ở London mà ở mọi nơi trên mảnh đất Anh Quốc, họ có đủ các loại hoa quả, và đương nhiên có cả nho. Nho ở trong siêu thị này có thể được đóng thành hộp, cũng có thể được để trong các túi nilon có khóa mở, và đặc biệt các túi này rất dễ mở. Vì cái sự “chiêu đãi” dễ dãi của siêu thị, nên thường các túi nho hay bị người mua vặt mất vài quả. Cũng không ai để ý, có người còn cầm luôn cả túi, để vào giỏ mua hàng, lén lút mở ra, rồi vừa đi, vừa vặt, vừa ăn nho trong siêu thị. Người nào liêm sỉ thì ăn vài quả gọi là nhấm nháp cho biết vị. Người nào bớt liêm sỉ hơn một chút thì ăn luôn nửa chùm nho xanh không hột. Nếu thô bỉ hơn, chắc có người ăn luôn cả chùm rồi đem dấm dúi cái túi vào một chỗ nào đó trong siêu thị (nói vậy, chứ tôi không nghĩ có ai mặt dày đến nỗi ăn hết cả chùm như thế). Ăn chán rồi, hoặc “nhấm nháp” xong, họ đi vòng lại khu vực hoa quả, để túi nho lại chỗ cũ, giả vờ “hết tiền rồi, không mua nữa”, hoặc “nghĩ lại rồi, hôm nay ăn dưa hấu”,...
Và vậy là không ai phải trả tiền ăn nho. Nho ngon, căng mọng, không hột và còn miễn phí, nhiều người nhấc lên đặt xuống, nhiều người thử, nhưng ít người mua.



Miễn phí số 2: Báo

Tại London có vài tờ nhật báo được phát miễn phí, có thể kể tới London Evening Standard, hay Metro. Đương nhiên không nói ai cũng biết, định hướng kinh doanh của những tờ báo này là “sống bằng quảng cáo”, nhưng không phải vì vậy mà chúng trở thành những tờ báo quảng cáo đôi lúc lắm người chẳng muốn cầm. London Evening Standard và Metro cập nhật những tin tức rất nóng và nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, từ chính trị, cho tới kinh tế, tài chính, bất động sản, hay văn hóa và giải trí. Những bài viết trong những tờ báo này, hoặc ít nhất là hai tờ báo tôi kể trên (vì tôi không biết chính xác tại London, hay ở nơi nào, có bao nhiêu tờ báo như vậy), ít nhiều cũng là những bài viết chất lượng, có chiều sâu phân tích. Họ không viết nhạt nhòa cho qua, theo sát những sự kiện quan trọng và được nhiều người quan tâm, như sự ra đời của Royal Baby, hay ngày “Iron Lady” cựu Thủ tướng Anh Quốc Magaret Thatcher qua đời,...
Phần lớn người dân ở London di chuyển bằng hệ thống tàu điện ngầm. Có lẽ vì vậy, để những tờ báo miễn phí tới được với nhiều người nhất, mỗi ga tàu điện ngầm sẽ có những quầy báo tiện lợi để người qua đường có thể lấy báo nhanh chóng và cập nhật tin tức hàng ngày.



Miễn phí số 3: Vé tàu và vé xe buýt

Tính trung bình, mỗi lần đi xe buýt hay tàu điện ngầm tại London cũng tốn ít nhất 1.5 bảng, khoảng 50 ngàn tiền Việt. Chúng ta thường hay ngưỡng mộ sự kỉ luật và phép tắc của người dân nước ngoài. Nhưng điều đó không có nghĩa việc đi xe buýt hay tàu điện ngầm miễn phí là điều bất khả thi.
Hệ thống di chuyển công cộng tại London sử dụng thẻ đi tàu (Oyster card) làm phương tiện để kiểm soát vé và lệ phí của người dùng. Thẻ đi tàu và thẻ đi bus đều là một chiếc, mỗi lần đi qua một cổng soát vé hay bước lên xe buýt, người đi sẽ phải cầm thẻ... dí (“tap”) vào một chiếc máy để máy tự động trừ tiền vé trong tài khoản liên kết với chiếc thẻ đó.
Tôi từng rơi vào một tình huống, khi thẻ đi tàu đã hết tiền, và cũng không thể nạp tiền vào thẻ vì nhỡ để quên ví ở nhà. Và đương nhiên, với tình huống này thì tôi chịu chết không qua được cửa soát vé. Khi tôi chưa biết thế nào, thì người nhân viên ga đứng gần đó thấy tôi luống cuống, đã đi tới trước mặt tôi và dùng thẻ nhân viên để mở cửa soát vé cho tôi vào. Và vậy là đương nhiên tôi được đi tàu miễn phí.

Đó là chuyện tàu điện ngầm. Ở London buổi đêm, tàu điện ngầm ngừng hoạt động. Dịch vụ công cộng duy nhất là xe buýt đêm. Và tỉ lệ đi bus không tốn tiền vào buổi đêm ở London cũng rất cao. Sau 12 giờ, ga tàu điện ngầm thường đóng cửa, nhưng đó hầu hết cũng là những địa điểm duy nhất người dùng có thể nạp tiền vào thẻ đi tàu. Vì vậy, nếu nhỡ đi buổi đêm mà thẻ hết tiền, thì coi như chịu chết không thể đi đâu được với thẻ đó. Nhưng trong các tình huống như vậy, thường thì các bác tài xế buýt tốt bụng, từ già đến trẻ, đều “tạo điều kiện” cho người đi trốn vé. Tôi cũng rơi vào trường hợp đó vài lần, tay cầm thẻ tap vào máy, nhưng máy bảo “hết tiền ròi, không đủ đâu”, thì tôi ngẩng lên nhìn bác tài với ánh mắt bối rối. Nhưng điều hay là, chưa kịp trình bày gì, các bác tài sẽ phẩy tay, ý chỉ “cứ lên đi, không sao đâu”. Thế là được đi bus miễn phí.



Miễn phí 4: Âm nhạc
Tôi từng xem qua phim ảnh những nhân vật nghệ sĩ đường phố với cây guitar đứng hát ven đường. Tôi từng cảm thấy mình sẽ luôn có cảm tình với thứ âm nhạc đường phố, nhẹ nhàng, giản đơn như vậy. Và khi tới với London, cứ như vậy thôi, đi đâu tôi cũng cảm thấy có cảm tình. Bởi tại đây, có rất nhiều nghệ sĩ đường phố. Họ trình diễn ở khu trung tâm thành phố rất nhiều, đặc biệt ở những nơi đông khách du lịch ghé thăm như Covent Garden, Leicester Square hay Trafargal Square. Có người sẽ trình diễn những pha ảo thuật, có người sẽ làm những trò khó hiểu mà cũng không ai làm được, có người còn tạo những cơn mưa bong bóng xà phong cho lũ trẻ con chơi đùa. Và cũng không khó đoán, hầu hết phần lớn những người còn lại đều chơi nhạc, từ hát, cho tới chơi nhạc giao hưởng, thổi saxophone hay cover với guitar. Bởi vì họ là những người kiếm sống dựa trên những con đường đông đúc ở London, hay ở những ga tàu điện ngầm (dưới các ga tàu điện ngầm lớn, ban quản lí thường đặt các khu vực riêng cho các nghệ sĩ đường phố đăng kí và tới chơi nhạc xin tiền người qua đường), vì vậy, việc thưởng thức âm nhạc miễn phí là chuyện chẳng khó gì.



Một người trình diễn đường phố tại Covent Garden


Ngày tôi trở lại London, đi dạo loanh quanh, tôi có mặt tại Trafargal Square và đã đứng rất lâu trước một người nghệ sĩ đường phố. Anh ta mặc một chiếc áo sơ mi kẻ đã bạc màu, cùng chiếc quần kaki màu nâu dài hơn đầu gối, đầu đội một chiếc mũ phớt đen và đeo kính dâm để tránh cái ánh nắng chói chang của mùa hè. Anh ta đã chơi guitar và hát những bản nhạc rất cũ. Sau khi nghe anh ta hát bài Knocking on heaven’s door, tôi tiến lại gần, nói chuyện và hỏi thử xem anh có thể chơi bản nhạc nào của The Script – nhóm nhạc tôi yêu thích – hay không. Anh ấy trả lời không, và đưa cho tôi một tờ giấy được ép plastic nhưng đã rất nhàu nhĩ như thể đã được viết và lưu giữ cả thế kỉ này. Tôi lướt qua tờ giấy và nhận ra đó là danh sách những bài hát anh ta thường biểu diễn. Tôi nhìn một lúc, trong hàng loạt những cái tên bài hát xưa cũ lạ hoắc tôi chẳng biết, và chọn ngay Patience của Guns ‘n Roses. Anh ta cười, nói “okay”, rồi cúi xuống, nhấp một ngụm trà trong chiếc bình mang theo, và bắt đầu chơi Patience với đoạn solo guitar dạo đầu quen thuộc.


Đây là một trong những bản nhạc yêu thích của tôi. Và khi xem anh chàng ca sĩ này hát, dưới cái nắng của một ngày London thứ hai đẹp trời, trong tôi xuất hiện một thứ cảm xúc vui vẻ lạ kì. Kết thúc ca khúc, anh ta nhìn về phía tôi, gật đầu nhẹ và cười mỉm. Tôi cùng một cô gái tóc vàng khác là hai người duy nhất đang đứng lại gần đó, lắng nghe toàn bộ bài hát và vỗ tay ngợi khen. Trong lúc anh ta trình diễn, có vài người cũng đã đứng lại, lắng nghe bài hát, nhưng vội vã bỏ đi trước khi anh ta chuẩn bị kết thúc, như thể để tránh cái tình huống luống cuống khi nhận ra đáng nhẽ họ nên dành cho anh ta một chút tiền lẻ vì màn trình diễn hay ho. Lục trong túi, tìm thấy đồng xu một bảng, tôi tiến lại gần thả vào chiếc vỏ đàn guitar của anh ta. Đáng ra được nghe miễn phí như vậy đó, nhưng vì người ta đàn hay, hát hay vậy, 1 bảng cũng không quá đắt cho một tấm “vé concert” đâu nhỉ.


Một ban nhạc violon chơi nhạc tại Covent Garden bỗng vây quanh một đôi tình nhân


Tại London, ở cả thành phố tôi hiện đang sinh sống, và tôi tin là ở tại rất nhiều nơi khác nữa trên Anh Quốc, có rất nhiều những ca sĩ đường phố như vậy. Họ hát vì mong nhận được sự chú ý của người qua đường, và mong nhận những đồng xu lẻ từ sự đồng cảm và sự thương hại. James Bowen – một nhà văn nghiệp dư với thân phận một ca sĩ đường phố, đã từng tóm tắt cuộc sống của những người nghệ sĩ này: “I was a busker and this was London. I didn’t exist. I was a person to be avoided, shunned even.” (trích từ A street cat named Bob, được tạm dịch như sau: Tôi là người hát rong và đây là London. Tôi không tồn tại. Tôi là kẻ người khác luôn tránh, thậm chí là phải tránh xa). Những người ca hát trên đường phố nơi đâu cũng có, nhưng đôi lúc, trong cuộc sống hối hả, phần còn lại của Thế giới đều đã bỏ qua thứ âm nhạc miễn phí như vậy.

Biết rằng cuộc đời, điều đầu tiên người ta phải nghĩ tới đều xoay quanh chữ “tiền”, nhưng đôi lúc, thứ âm nhạc miễn phí của những người nghệ sĩ đường phố cũng cho tôi thứ suy nghĩ, rằng một phần nào đó, họ hát vì họ muốn hát, vì tình yêu với âm nhạc và cũng chỉ vì những nụ cười và ánh mắt trìu mến họ nhẫn được mỗi lần làm vui lòng một người nghe lạ mặt nào đó.


Một nghệ sĩ với màn trình diễn "ngồi không ghế" 


Ở Anh Quốc, ngoài những thứ trên ra, có lẽ những thứ miễn phí nhiều nhất là nụ cười, lời cảm ơn và lời xin lỗi. Người Anh rất lịch thiệp. Họ nói xin lỗi ngay cả khi tình huống chỉ là những va chạm nhỏ nhất, như tránh đường nhau trong siêu thị, hay nhỡ lướt qua đụng nhẹ vào người khác khi qua đường. Họ cũng nói cảm ơn rất nhiều, ngay cả trong những tình huống bình thường như có người tránh đường cho họ, hoặc có người giữ cửa cho họ, mặc dù việc tránh đường, hay việc giữ của đều là những điều nằm trong văn hóa ứng xử cơ bản tại Anh Quốc mà ai cũng phải làm và nên làm. Và họ cũng cười rất nhiều, với người lạ, với người qua đường, với những người tình cờ giúp đỡ mình. Tôi từng được nghe rằng người nước ngoài rất lạnh lùng và chỉ luôn quan tâm tới việc của mình, nhưng kể từ lúc được tận mắt chứng kiến và được sống trong môi trường này, tôi nhận ra họ cũng không hẳn lạnh lùng và vô tâm như vậy. Tôi từng gặp những người mỉm cười với tôi chẳng vì lí do gì, từng gặp những người tình cờ nói chuyện trong siêu thị chỉ vì muốn gợi ý cho tôi thứ gì nên mua, và tôi cũng đã nói cám ơn, xin lỗi rất nhiều lần mỗi ngày, đến nỗi chúng dường như đã trở thành câu cửa miệng mới của tôi. Có thể đôi lúc, người Anh chỉ làm vậy vì phép lịch sự, sự khách sáo hay văn hóa lâu năm không bỏ, nhưng kể cả như vậy, họ vẫn mang lại cho người khác những cảm giác rất gần gũi, ấm áp, đặc biệt với những người sống như phần thiểu số trong xã hội và nền văn hóa của họ. 


Tag: dinh dưỡng cho trẻ | quan hệ vợ chồng | ngủ ngáy | vì sau ngủ ngáy | bệnh ung thư phổi | trẻ bị sốt cao

Unknown

Cảm ơn các bạn đã tham gia và ủng hộ blog của Cas Nguyễn. Hãy đặt vòng kết nối cùng Cas Nguyễn nhé.


Những từ khóa hàng đầu

 

Copyright @ 2013 Tin Tức Tổng Thể.