Saturday, September 21, 2013

Nước mắt ở Mã Đà (Kỳ 2)

Mưa tuôn xối xả, đường trơn trợt, gió ùa ùa kéo đến nhưng những đứa trẻ không giấy khai sinh, thuộc diện vô gia cư vẫn đến căn nhà tập trung mà chúng gọi là trường học để học chữ…


Gương mặt chúng có đứa tái ngắt vì dầm mưa; có đứa thì nước mắt lưng tròng vì sợ đến trễ, thầy cô về hết, không được học chữ. Người mẹ lúc đi đánh cá về, thấy con tắm, lộ vết bầm xanh đen ở chân do đường trơn, té ngã mà xót nhưng chỉ biết thở dài, tặc lưỡi: “Biết sao giờ, nó ham học quá, bắt nó ở nhà coi chừng em không nỡ. Hỏi nó té đau không, nó nói không đau; sợ mình không cho nó đi học, nó nói, mẹ ơi con muốn đi học, đừng bắt con nghỉ; cho đi học đi, mốt đọc sách cho mẹ nghe mà ruột đứt từng khúc”. Những hình ảnh xúc động lòng người như thế, nếu đến Mã Đà chắc chắn các bạn sẽ bắt gặp và thấu hiểu, tại sao các em thà dầm mưa chứ không muốn ở nhà nghỉ học?


Khẩu hiệu trước cổng trường “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Tuy nhiên, nhiều trẻ lại không được bước chân vào...
Quyển truyện tranh và lòng hiếu thảo
Võ Thị Ngà, 10 tuổi, học lớp lá ở lớp học do đoàn từ thiện TP.HCM dạy kể: “Con thích đi học. Bữa cô giáo dạy hình trong truyện tranh đứa bé đem ly nước cho mẹ uống, vì mẹ đi làm về mệt đổ mồ hôi. Con thấy thương mẹ của con; mẹ con đi đánh cá về cũng đổ mồ hôi nhưng mẹ phải đi bán cá nữa, rồi nấu cơm cho em ăn. Bố về nhà cũng mệt, nằm lăn ra ngủ. Cô dạy con, lúc thấy mẹ ba mệt phải múc nước cho mẹ ba uống. Rồi có làm gì phụ được thì làm; làm như vậy là đứa con hiếu thảo. Cô nói, trước đây con không làm vì chưa học, chưa biết, giờ học rồi biết rồi thì phải ngoan; lúc mẹ đi chài về phải hỏi mẹ ơi mệt không, con lấy nước mẹ uống nha. Cô giáo nói, làm thế mẹ sẽ đỡ mệt và có sức đi làm nuôi con. Cô nói, Bác Hồ dạy là tuổi nhỏ thì làm việc nhỏ, con nghe lời cô, con phụ mẹ nhiều việc lắm. Mẹ khen con đi học ngoan ra, bắt đầu lễ phép và nhờ vả được rồi”.
Một cậu bé khác, khá đen cao tồng ngồng đang gò từng chữ nói: “Mới viết được chữ này thôi hà. Hông có thời gian ở nhà học, còn đi đánh cá nữa, bữa nào về sớm mới chạy đi học được. Học kiểu này không biết đến bao giờ mới biết chữ mà đi làm giấy tờ cho mạ. Mạ kêu ráng học mạ thương; mà thương mạ con mới ráng học chứ cũng ngán quá. Mạ nói, học để còn biết ký tên, chứ không lẽ cứ điểm chỉ hoài, cả đời cố đến đời cháu, đời chắc vẫn vậy sao. Đi học mạ vui lắm, về cứ hỏi hoài nay học được chi rồi? nói để mạ mừng”.


Trường của em là lớp học tình thương dựng tạm, không biết bao giờ sẽ giải tán...
Nghe bé Võ Văn Tý, học chương trình của lớp 1 khoe mà thấy chạnh lòng: “Con học nhanh nên cô cho nhảy lớp. Thích lắm cơ, đó giờ đâu ai dạy phải chi dạy sớm là giờ biết đọc truyện rồi. Con biết viết tên mẹ, tên ba, tên con nữa, thích vô cùng cô ơi. Bữa con viết tên mẹ, đưa mẹ coi, con nói tên mẹ viết thế này này, mẹ không tin mẹ xách đi hỏi cô giáo phải tên này là tên tôi không? Cô nói đúng rồi chị, tối về mẹ nói với ba mà mẹ khóc đấy. Mẹ nói, không ngờ có ngày con mình được biết chữ, viết được tên em nữa mình ơi”.
Vùng đất này, có những đứa trẻ hiếu học vì muốn đọc sách cho mẹ nghe, có đứa học để biết đường làm giấy làm tờ và xa hơn là chúng muốn làm cha mẹ chúng tự hào “có cái chữ, giúp gia đình nhiều lắm”, theo lời cô Tám, dân ở Mã Đà. Từ những bài giảng đầu đời, không chính quy, không đủ cơ sở pháp lý, người dạy cũng chưa trải qua lớp nghiệp vụ sư phạm mà đã giúp những học trò nơi đây hiểu và thương cha mẹ; bước đầu như thế này đã là quá thành công. Nếu được giáo dục, được quan tâm nhiều hơn nữa, chắc chắn đời của chúng sẽ thay đổi, sẽ không xám xịt và không phải chịu “định mệnh” vạch ra sẵn là đánh cá trên lòng hồ Trị An – nghề mà cả gia đình nói gọi là “truyền thống”?


Ngôi nhà của người đàn ông này chưa đến 30 mét vuông, có đến 8 người sinh sống.
Đang xin phép…
Theo lời đại diện đoàn từ thiện, nhà sư Lệ Thường và anh Tú phụ trách dạy chữ cho các em ở đây cho biết là: đang đề xuất, kiến nghị Sở Giáo dục để cấp bằng cho các em khi học xong chương trình dưới dạng là bổ túc. Đại diện đoàn từ thiện đã đi mòn dép, lên xuống xin phép, xin gặp mặt không biết bao nhiêu lần nhưng hình như chưa có kết quả, thủ tục hành chánh còn gặp rất nhiều khó khăn. Quả đúng là không giấy khai sinh, thì khó trăm bề! Thế nhưng, đoàn từ thiện đã đến thì cũng khó lòng mà bỏ các em giữa chừng. Anh Tú kể: “Đi về Sài Gòn có việc vài ngày là các em nhắc, cứ kiếm và hỏi coi đâu rồi, không dạy chúng nó; bụ giận gì chúng nó hả. Thấy thương lắm, không bỏ được mà mỗi lần xuống đây dạy, đi cũng khó, tiền xăng, xe, kinh phí ăn uống, rồi công việc cá nhân nữa, cũng không nói trước là gắn bó đến bao giờ; chỉ biết là cố gắng hết mình thôi”.
Không biết, có phải vì tất cả các em không được đến trường đều thuộc diện vô gia cư nên chính quyền địa phương không cần quan tâm hay không mà cả chục năm rồi, người dân không hộ khẩu sống nơi đây không bị “đá động” gì tới. Sự quan tâm, nhắc nhở cũng không có. Thế nên, người dân cứ phó thác cho cảnh sống ở đậu dọc mé sông; cắm mấy cây cột, che tấm phênh rách làm “nhà” để ở. Nếu không ai cho đất ở đậu, ở nhờ thì cả nhà sống trên nhà bè, nổi lềnh bềnh trên sông; mà theo người dân tả, nó nguy hiểm đến độ: “Chỉ cần bữa nào mưa lớn, giông nhiều, ở trên bè là có thể sập bè hoặc úp bè. Nhà có đến 6-8 người, cái bè bé tí thế này sao chịu nỗi”, anh Uất bảo. Thử hỏi, cái cuộc sống, cái tính mạng còn không được quan tâm thì trẻ con có được quan tâm đến trường hay không? Dường như, nơi đây tất cả những việc liên quan đến Việt kiều Campuchia nghèo nàn, chính quyền địa phương đều phó thác hết cho “nhà từ thiện”…?!


Những đứa trẻ rồi cũng sẽ gắng cuộc đời mình với lòng hồ Trị An như ba, mẹ chúng???
“Tụi nhỏ bắt đầu biết chữ, xin hãy dạy luôn để chúng biết chữ với người ta”, đó là lời gửi gắm của một người cha có 5 đứa con đã đến và quá tuổi đi học nhưng được đến trường. Nhưng dạy các em biết chữ thôi chưa đủ mà cần cho các em một bằng cấp cụ thể để các em hòa nhập cộng đồng, bước ra ngoài xã hội chứ không thể để chúng bám víu cái hồ Trị An, nơi sản xuất điện mà dân không có điện xài – nó mù mờ như cái tiền đồ mà ông cha chúng từng gánh chịu suốt đời?
Để giúp những đứa trẻ này, hơn lúc nào hết cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay, không thể để các em cứ phó mặc cuộc đời mình cho “số phận”. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần quan tâm, giúp đỡ, hoàn thiện thủ tục hành chính để các em được học ở trường chính quy; được thừa nhận là công dân của đất nước Việt Nam; được cấp giấy khai sanh; giấy chứng minh nhân dân hợp lệ… Quyền chính đáng của các em thì phải cho phép các em được hưởng chứ không thể cứ như thế này. Một xã hội văn minh như hiện nay thì không thể chấp nhận chuyện “bỏ quên” các em xảy ra và đối xử không công bằng, đổ lên đầu trẻ nhỏ bao nhiêu bất công như thế được…?!


Tag: quan hệ tình dục | free music download sites | ung thu vom hong | free movie download

Unknown

Cảm ơn các bạn đã tham gia và ủng hộ blog của Cas Nguyễn. Hãy đặt vòng kết nối cùng Cas Nguyễn nhé.


Những từ khóa hàng đầu

 

Copyright @ 2013 Tin Tức Tổng Thể.